Thời xa vắng

Lê Lựu

Language: Vietnamese

Publisher: Trẻ

Published: Jun 1, 2011

Description:

Review Sách Thời Xa Vắng – Cái Lồng Tư Tưởng Giam Hãm Con Người

 

Sau chiến tranh, đất nước được tự do nhưng tâm hồn con người lại bị bó buộc bởi trăm thứ chuẩn mực. Hủ tục của làng xã, kì vọng của gia đình, giáo điều trong xã hội, tất cả như hòn đá tảng chực chờ đập vỡ đầu những ai lăm le thoát ra khỏi quy chuẩn cố hữu. 

 

Đến với tác phẩm Thời Xa Vắng, tác giả Lê Lựu đã tái hiện thành công những lát cắt thời đại, với những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm mỗi con người. Thời gian trôi đi, tiểu thuyết này vẫn còn nguyên giá trị với xã hội Việt Nam.

 

Tác giả tiểu thuyết Thời Xa Vắng

Thời Xa Vắng là tác phẩm thành công nhất, đánh dấu tên tuổi của tác giả Lê Lựu trên văn đàn Việt Nam. Ông là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, chiến đấu, đi liền với đó là những tác phẩm độc đáo viết về nông thôn và nông dân Việt Nam.

 

Trong các tác phẩm của Lê Lựu, dù ít hay nhiều, người đọc vẫn cảm thấy một nỗi cô đơn khó tả. Ông viết như kể về mình, về người và về đời. Lê Lựu đã sáng tạo ra nhiều nhân vật đau khổ, bất hạnh trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và trong cuộc đời. Vậy mà, nhà văn vẫn nhận xét “Nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi.

 

Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát”. Nhà văn già luôn khao khát được trẻ lại 50 tuổi, được đi đó đây và “không bao giờ phải chịu đựng những năm tháng đắng cay và cô đơn ở kiếp sống này.”

 

Nội dung tác phẩm Thời Xa Vắng

Thời Xa Vắng kể về một nhân vật tên Giang Minh Sài. Khi đất nước còn chiến tranh, anh đã bị gia đình ép lấy một cô vợ hơn mình 3 tuổi tên là Tuyết. Tuy ngoài mặt đồng ý, nhưng bên trong Sài chưa từng chấp nhận một cô vợ như thế. 

 

Sài sống như một con rối, anh vốn là người học giỏi, và sẽ càng chuẩn mực nếu như anh có đạo đức tốt. Bước ngoặt bắt đầu khi Sài gặp tình yêu của đời mình, đó là một cô gái tên Hương. Vì tình yêu, Sai im lặng chạy trốn vào chiến trường miền Nam để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt trong gia đình. Tuy giỏi giang nhưng anh chẳng được tự do, vì cuộc sống của anh bị giám sát chặt chẽ, nếu không chấp nhận anh sẽ bị coi là phản động.

 

Khi hòa bình lập lại, Sài trở về cuộc sống bình thường và được phép ly hôn với Tuyết. Anh yêu Châu và kết hôn với Châu. Sài làm tất cả những điều vặt vãnh, cốt chỉ để duy trì cuộc sống. Họ chung sống với nhau, có hai đứa con nhưng sự thật vỡ lở khi Sài phát hiện con lớn của hai người thực ra là con riêng của Châu với người yêu khi trước. 

 

Quá đau buồn và chán nản với thực tại, Sài quay về ngôi làng Hạ Vi nơi anh nuôi dưỡng, dốc hết sức mình để giúp làng phát triển.

Ý nghĩa truyền tải qua tiểu thuyết thời xa vắng

 

Cảnh sống tù túng của con người trong xã hội cũ

Cuộc đời Sài từ nhỏ đến lớn phải sống theo ý nguyện người khác, bất kể là trong chính gia đình hay ở trong quân đội. Anh yêu ai, làm gì, thậm chí đến chuyện “yêu” vợ cũng bị người khác chỉ đạo. “Một nề nếp, một thói quen, một thông tục cha truyền con nối từ mấy đời nay: con cái không được quyền muốn sao được vậy vì như thế là trái với phép tắc gia phong”.

 

Sài ép mình sống trong cái lồng tù túng, chật hẹp của sĩ diện, định kiến và những phong tục cũ mòn. Vì cuộc hôn nhân sắp đặt mà anh không dám sống hết mình với tình yêu và cảm xúc. Anh như bị trói bởi một sợi dây vô hình nhưng có thể xiết người ta đến nghẹt thở.

 

Xã hội bao cấp ù lì, trì trệ

Thời Xa Vắng đã tái hiện sống động một cách điêu tàn, làng Hạ Vi toàn những con người chậm chạp, ngại thay đổi, chỉ muốn đi làm thuê mà không tự mình xây dựng quê hương. 

 

“Những người còn lại hoặc tuổi già yếu, con bận con mọn, hoặc không biết nghề, không quen đi xa, cái lực lượng sản xuất chủ yếu ấy cũng chỉ chòn chọt năm một vụ ngô, tháng mười cày bừa dối dả, tháng tư bẻ bắp chặt cây vội vàng để rồi lại nô nức kéo nhau sang bên kia sông, vào nội đồng làm thuê, sáng cắp nón đi, tối cắp nón về nói cười rả rích.

 

Dường như số trời đã định cho làng này chỉ có việc đi làm thuê. Chen lấn, tranh cướp nhau từng người chủ, và ai được chủ tin thì coi đó là một diễm phúc có thể vênh váo, hãnh diện với kẻ khác, sẵn sàng hạch sách bắt bẻ người cùng xóm, cùng làng, cùng cánh thợ làm thuê một cách nghiệt ngã độc ác hơn cả người chủ thật.”

 

Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong Thời Xa Vắng

Nhân vật Giang Minh Sài trong Thời Xa Vắng được tác giả dày công xây dựng, đó là một người đàn ông vừa mang tính chất điển hình cụ thể lại vừa mang tính khái quát sâu sắc. Anh chính là điển hình của những người thanh niên nông thôn thời đại cũ.  Những điểm mạnh và điểm yếu nơi anh khiến người đọc vừa thấy thương lại vừa thấy giận.

 

Tuy có những đấu tranh trong nội tâm nhưng anh vẫn chẳng dám làm chủ đời mình. Tuy tháo vát thông minh và biết yêu mãnh liệt, anh vẫn không dám vùng lên mạnh mẽ để theo đuổi tình yêu. 

 

Nhân vật Sài giống như một nhành cây non không thể vượt qua khung giàn của hệ tư tưởng phong kiến ngàn năm ngự trị. Tam cương ngũ thường của thế hệ cũ đã ăn mòn ý chí và khát vọng tự do của một chàng trai trẻ, anh chỉ biết “sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mắt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình”.

 

Lời kết

Thời Xa Vắng của Lê Lựu là một tiểu thuyết đặc sắc từ cốt truyện cho tới kết cấu và cả cách xây dựng nhân vật. Những thông điệp mà tác giả truyền tải trong cuốn sách cũ kỹ vấn khiến người đọc phải suy ngẫm về cách sống và làm chủ cuộc sống dù thời thế có biến chuyển thế nào.